Ngọn hải đăng on-chain không thể chiếu sáng cả vùng biển đêm
Đế chế 32 tỷ USD của FTX bốc hơi vỏn vẹn trong 6 ngày là ví dụ cho thấy các dự án sẽ bộc lộ “gót chân Achilles” của mình nếu không tôn trọng sự minh bạch và tài sản người dùng. Sai lầm của Sam Bankman-Fried cộng với tâm lý hoảng loạn của đám đông đã tạo ra một vụ bank run lớn khiến FTX rơi vào thảm họa.
Theo Douglas Diamond, người đoạt giải Nobel Khoa học Kinh tế năm 2022, một yếu tố thúc đẩy bank run chính là nỗi sợ hãi hoặc lo lắng rằng những người khác sẽ đổ xô rút tiền. Một động lực khác là khi người ta thấy những người được cho là nắm giữ nhiều thông tin nhất hành động, họ cũng sẽ làm theo. Thông qua những công cụ theo dõi on-chain, việc chứng kiến những ví cá voi rút tiền hàng loạt từ sàn càng khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ hoảng loạn.
Blockchain hay dữ liệu on-chain chỉ là ngọn hải đăng, chứ không thể chiếu sáng cả một vùng biển đêm. Các sàn giao dịch tập trung, hoặc các công ty xử lý giao dịch và tiền của khách hàng, có thể công khai tài sản của mình hoặc dự trữ của khách hàng thông qua các ví on-chain. Nhưng họ cũng có các bảng cân đối kế toán “trong bóng tối” cho biết lượng tài sản đó đã được cầm cố hoặc bán cho các bên nào khác. Đây chính là những vùng biển đêm mà chúng ta rất khó để thấy.
Nhưng hy vọng với DeFi khi “mọi thứ được thể hiện trực tiếp trên blockchain, thì tính minh bạch này có thể tạo ra nhiều tin tưởng hơn và ít bất ngờ khó chịu hơn trước những hoạt động bất thường”, ông Diamond nhận định.
Sau sự sụp đổ của FTX, Binance – sàn giao dịch lớn nhất thế giới – đã phát động phong trào “bằng chứng dự trữ” (proof of reserve) nhằm nỗ lực minh bạch hoá hoạt động của mình. Tuy nhiên, theo Wall Street Journal, hành động này của Binance dù là nỗ lực lớn, nhưng chưa chứng minh được gì nhiều.
“Bằng chứng dự trữ là khởi đầu tốt để cải thiện tính minh bạch tổng thể, nhưng nó không phải thuốc chữa bách bệnh cho vấn đề cốt lõi đang tồn tại ở các sàn giao dịch tập trung được quản lý lỏng lẻo”, Clara Medalie, Giám đốc nghiên cứu của Kaiko nói với Wall Street Journal.
Vừa qua, Mazars – công ty kiểm toán đã công bố báo cáo bằng chứng dự trữ cho Binance và các sàn giao dịch khác, tuyên bố không còn làm việc với các công ty này nữa. Lý do cho điều này là vì họ “lo ngại về cách công chúng hiểu các báo cáo này”, theo một email Mazars gửi tới CoinDesk. Những gì Mazars làm chưa phải là kiểm toán đúng nghĩa và công ty này không muốn bị hiểu lầm đây là hoạt động kiểm toán.
Bùng nổ nhờ công nghệ, “chết” cũng vì công nghệ
Trả giá đắt vì bị hack
Như mọi công nghệ đang phát triển khác, blockchain nói chung hay DeFi nói riêng cũng cần thời gian để hoàn thiện tính bảo mật. Nhưng giới tin tặc không chờ đợi dự án trưởng thành. Theo Chainalysis, 2,2 tỷ USD tiền điện tử đã bị đánh cắp khỏi các dự án DeFi trong năm 2022.
Tiêu biểu, vào tháng Ba, một nhóm hacker đã đánh cắp 620 triệu USD tiền điện tử từ Mạng Ronin của trò chơi Axie Infinity. Cũng trong khoảng thời gian đó, một hacker đã khai thác lỗ hổng phần mềm trong dự án Wormhole để lấy đi 320 triệu USD.
5 tháng sau, hacker đã lợi dụng lỗ hổng bảo mật để bòn rút 190 triệu USD từ dự án Nomad. Và vào tháng 9, công ty tiền điện tử Wintermute cho biết mảng DeFi của họ đã bị hack, dẫn đến thất thoát 160 triệu USD.
Tuy nhiên, các công ty DeFi đang rất nỗ lực để cải thiện tình trạng này. Họ tích cực thuê kiểm toán viên để tìm ra các lỗ hổng trong dự án của mình. Do đó, dù trong mùa downtrend với rất nhiều công ty crypto cắt giảm phần lớn chi phí, những công ty kiểm toán và bảo mật lại ăn nên làm ra. Trung bình mức lương cho các kiểm toán viên blockchain có kinh nghiệm có thể lên tới 400.000 USD/năm, Zeth Couceiro, sáng lập công ty tuyển dụng tiền điện tử Plexus Resource Solutions, cho biết.
Stablecoin thuật toán UST không hoàn hảo như Do Kwon nghĩ
Stablecoin thuật toán như UST là một trong những thử nghiệm tham vọng nhất của DeFi, biến Terra trở thành dự án hấp dẫn bậc nhất với các nhà đầu tư thời điểm đầu 2022. Tuy nhiên, Terra-LUNA đã sụp đổ vào nửa đầu tháng Năm, làm bốc hơi hơn 83 tỷ USD vốn hoá thị trường, theo số liệu từ DeFi Llama. Sự thất bại của hệ sinh thái Terra cũng gây ra thảm họa dây chuyền cho nhiều tay chơi lớn khác như 3AC, Celsius Network, Voyager Digital…
Thế nhưng, thảm hoạ này vẫn không làm những người tin tưởng vào DeFi sờn lòng. “Một stablecoin thuật toán sẽ tồn tại trong vòng 5-7 năm tới,” Hassan Bassiri, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Arca và là nhà đầu tư vào Terra, nói với Bloomberg. “Và nó phải tồn tại, nếu không thì việc chúng ta ở trong không gian này có ý nghĩa gì?”
GameFi và NFT cần hình thái mới
Sau thời kỳ phát triển rực rỡ trong năm 2021, NFT có sự sụt giảm đáng kể trong năm 2022. Khối lượng giao dịch của các NFT đã giảm 97% so với mức cao kỷ lục vào tháng Một năm nay. Từ mức 17 tỷ USD vào đầu năm, khối lượng giao dịch NFT giảm xuống chỉ còn 466 triệu USD vào tháng Chín, theo dữ liệu từ Dune Analytics.
Xu hướng giảm này là kết quả của “mùa đông tiền điện tử” khi nhu cầu đối với các tài sản kỹ thuật số mang tính đầu cơ cao ngày càng ít do chính sách thắt chặt tiền tệ. Một vấn đề khác là NFT hiện tại vẫn chưa có tính ứng dụng cao trong thế giới thực, điều này gây khó khăn cho việc định giá chúng. Và mặc dù các marketplace có thể giúp NFT tăng giá trị, nhưng chúng sẽ không còn nhiều ý nghĩa nếu dự án blockchain nằm bên dưới thất bại.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia crypto nhận định, NFT sẽ thay đổi cách nghệ thuật vận hành trong tương lai. Những ảnh JPEG đắt đỏ, được người nổi tiếng “lăng xê” liên kết với NFT sẽ biến mất. Và những gì còn lại là công nghệ giúp xác thực các tác phẩm nghệ thuật.
Sự hội tụ hiện tại của nghệ thuật kỹ thuật số, tiền điện tử và công nghệ blockchain sẽ tạo ra thay đổi cấu trúc sâu sắc trong hệ sinh thái nghệ thuật: Các nhà sưu tập sẽ không mua một tác phẩm nếu nó không được đăng ký trên blockchain; các nghệ sĩ sẽ có quyền kiểm soát nhiều hơn tác phẩm của mình và kiếm được tiền bản quyền từ việc bán lại; và thị trường nghệ thuật sẽ trở nên quy củ và minh bạch hơn.
Tương tự NFT, GameFi cũng đã giảm sức hút so với 2021. Phong trào “play-to-earn” với các vật phẩm NFT từng làm mưa làm gió vào năm ngoái, nay đã nguội lạnh. Mojang, nhà phát triển thuộc Microsoft đứng sau một trong những trò game bán chạy nhất thế giới nói với Bloomberg: “Tâm lý đầu cơ xung quanh NFT làm game thủ mất tập trung vào việc chơi và khuyến khích trục lợi. Chúng tôi cho rằng điều này không phù hợp để tạo ra thành công và niềm vui lâu dài cho những người chơi”.
Do đó, GameFi, một cánh cổng tốt và nhanh chóng để đưa người dùng đến với thế giới crypto và Web3, cần có những hình thái mới: game-play thú vị hơn, nền kinh tế trong game bền vững hơn và giải được bài toán “vòng đời ngắn ngủi” – vốn cũng là thử thách lớn với bất kỳ tựa game truyền thống nào.
Các chính phủ để mắt nhiều hơn đến crypto
Hành lang pháp lý cho crypto tại nhiều quốc gia
Crypto là chứng khoán, hàng hóa hay tiền tệ? Câu hỏi tỷ đô này hiện vẫn chưa có lời giải. Trong năm nay, các chính phủ trên toàn thế giới đã thông qua nhiều luật nhằm đơn giản hóa khái niệm mới về tiền điện tử, vốn vẫn còn ở giai đoạn sơ khai.
Vào tháng Chín, chính phủ Hoa Kỳ đưa ra đề xuất liên quan đến việc khởi tạo một loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương Hoa Kỳ (CBDC). Mặt khác, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) đang thúc đẩy các quy định mà họ đã có. Cũng trong tháng Chín, Gary Gensler, chủ tịch SEC, cho biết hầu hết tiền điện tử là chứng khoán và không cần có quy định mới.
Bên ngoài Hoa Kỳ, phần còn lại của thế giới dường như đang thực hiện các bước đi để điều chỉnh ngành công nghiệp mới này. Vào tháng Mười, các nhà lập pháp EU đã thông qua dự luật Quy định về thị trường tài sản tiền điện tử (MiCA), sẽ có hiệu lực vào năm 2024.
Ngoài ra, hạ viện Quốc hội Anh đã công nhận tài sản tiền điện tử là công cụ tài chính được quy định. Dự thảo luật mở rộng các luật hiện hành liên quan đến các công cụ tập trung vào thanh toán đối với stablecoin.
Trung Quốc tiếp tục phát triển đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY), chương trình dự kiến sẽ phát triển trong 12 tháng tới. Vào tháng Tám, họ đã bắt đầu triển khai vòng tiếp theo của chương trình thí điểm tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC).
Tương tự Trung Quốc, trong tháng Mười hai, ngân hàng trung ương Ấn Độ đã ra mắt phiên bản thử nghiệm của tiền kỹ thuật số. Động thái này diễn ra một tháng sau khi một số ngân hàng Ấn Độ được phép giải quyết các giao dịch thị trường thứ cấp bằng chứng khoán chính phủ với tiền kỹ thuật số.
Trong khi đó, Brazil thể hiện sự hào hứng với tiền điện tử khi hợp pháp hóa nó làm phương thức thanh toán trên toàn quốc vào cuối tháng Mười một.
Crypto và xung đột Nga-Ukraine
Cuộc chiến Nga-Ukraine đã thử nghiệm khả năng của tiền điện tử với vai trò là một trong những nguồn tài trợ trong thế giới thực, trong bối cảnh các biện pháp hạn chế và lệnh trừng phạt.
Sau khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng Hai, một số nền tảng tiền điện tử đã bắt đầu quyên góp và viện trợ cho người dân Ukraine. Trong vòng một tháng, chính phủ Ukraine và một tổ chức NGO cung cấp hỗ trợ quân sự đã huy động được 63,8 triệu USD. Trong số các khoản đóng góp này có 5,8 triệu USD từ Gavin Wood – người sáng lập Polkadot, và một CryptoPunk NFT trị giá hơn 200.000 USD.
Không chỉ Ukraine nhận được viện trợ tiền điện tử. Một số nhóm thân Nga đã quyên góp được hơn 2 triệu USD crypto để tài trợ cho cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine, bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế.
Những lối đi riêng
Tham vọng, háo thắng và trừng phạt
Năm 2022 chứng kiến cú “ngã ngựa” đầy bất ngờ của những nhân vật đình đám trong thị trường như Sam Bankman-Fried của FTX, Do Kwon của hệ sinh thái Terra, Su Zhu của 3AC…
Họ đều được nhận định là những người trẻ tuổi xuất chúng, có khả năng mang lại những thay đổi bước ngoặt cho thị trường, thậm chí Sam Bankman-Fried còn được một bộ phận công chúng ví như “Mark Zuckerberg của tiền điện tử”.
Thế nhưng, có lẽ tham vọng và lòng hiếu thắng đã đẩy họ đến việc áp dụng những phương cách không bền vững hòng phát triển thật nhanh và có những cú chạm quá sớm đến thế giới bên ngoài crypto.
Chúng ta có một Su Zhu tích cực quảng bá lý thuyết về “siêu chu kỳ” tiền điện tử: Mua, mua đi, mua ngay bây giờ và ngày nào đó siêu chu kỳ sẽ khiến bạn giàu điên đảo. Chúng ta có một Do Kwon với tuyên bố nổi tiếng: “Tôi không tranh luận với người nghèo trên Twitter”. Chúng ta có một Sam Bankman-Fried liên tục đổ tiền vào các hoạt động đầu tư trong và ngoài thế giới crypto, mua quyền đặt tên sân vận động, “kết thân” với giới chính khách Mỹ bằng những khoản tài trợ khổng lồ… Và cuối cùng, tất cả họ đều nhận về một cái kết đắng.
Xây dựng trong âm thầm
Trong khi đó, một nhân vật khác quyết định chọn con đường chậm và bình lặng hơn, đó là Vitalik Buterin. Bất chấp những “drama” của thị trường trong năm nay, người sáng lập Ethereum chỉ âm thầm đi giải quyết những hạn chế về mặt công nghệ, tập trung giúp hệ sinh thái bền vững, tạo ra doanh thu và được xem là trụ cột của ngành DeFi.
Năm 2022, Vitalik Buterin và các cộng sự vẫn kiên trì tạo dựng giá trị và thúc đẩy đổi mới cho Ethereum, tiêu biểu trong đó là thực hiện The Merge thành công. Dù sự kiện này không đem lại “cú hích” đích đáng cho thị trường như dự đoán, nó đã vẽ ra một viễn cảnh rõ ràng hơn cho crypto.
The Merge cùng việc chuyển từ bằng chứng công việc (PoW) sang bằng chứng cổ phần (PoS) đã giúp Ethereum dập tắt những chỉ trích về tác động môi trường. Sự kiện này cũng cải thiện tính kinh tế của Ethereum, vì mạng sẽ giảm phát trong một thời gian.
“Đây là bước đầu tiên trong hành trình lớn của Ethereum hướng tới việc trở thành một hệ thống hoàn thiện,” Vitalik Buterin, người sáng lập nền tảng phát biểu sau The Merge.
Có thể nói sự kiện này là bước chập chững đầu tiên của Ethereum trong hành trình tìm kiếm “chén thánh” để giải quyết “blockchain trilemma”: bảo mật (security), phi tập trung (decentralization) và có thể mở rộng (scability).
Trong khi Ethereum liên tục cải tiến, tiêu biểu với giải pháp zkSync, các Layer-1 một thời nổi trội như Near, Avalanche, Fantom, Celo… bắt đầu hụt hơi trong năm nay. Ngoài ra, sự suy giảm của hệ sinh thái Solana do ảnh hưởng từ cú sập FTX đã tạo điều kiện để những dự án Layer-1 khác như Aptos, Sui, Sei Network có cơ hội vươn lên. Những dự án Layer-2 như Arbitrum, Optimism, StarkNet cũng thu hút sự chú ý của cộng đồng trong năm nay và có một lượng người dùng ngày càng tăng.
Một năm đen tối, nhưng có những bài học cần thiết cho ngành
Suy thoái và sụp đổ không phải chuyện lạ trong tiền điện tử, và lịch sử đã chứng minh thị trường vẫn tồn tại bất chấp bị dính đòn nặng nề. Trong năm nay, ngoài những sự cố nội bộ, xu hướng giảm chung của nền kinh tế toàn cầu cũng tác động đến thị trường. Lạm phát dai dẳng và khủng hoảng năng lượng do chiến tranh khiến dòng tiền chảy vào crypto bị bóp nghẹt.
CEO của Binance tin rằng những thảm kịch trong năm 2022 sẽ khiến crypto thụt lùi trong vài năm nhưng cũng sẽ thúc đẩy nó theo hướng tốt hơn. Còn theo Vitalik Buterin, thị trường giảm giá và tình trạng mất khả năng thanh toán sẽ càng nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của việc phi tập trung.
Có lẽ sớm hay muộn thị trường cũng sẽ trở lại quỹ đạo, nhưng lúc đó nhiều khả năng các dự án DeFi sẽ tập trung vào những ứng dụng thực tiễn hơn là những cơn mộng tưởng. Đến hiện tại, 2022 có thể là năm đen tối nhất trong lịch sử tiền điện tử, nhưng cũng là năm để lại nhiều bài học quý giá nhất cho toàn ngành crypto.